Với mức
thuế tiêu thụ đặc biệt sắp được giảm thì nhiều khả năng một lượng lớn các dòng
xe ô tô nhỏ giá rẻ tầm 400 triệu đồng sẽ tràn về thị trường Việt Nam.
Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 2016, xe nhỏ từ Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ tràn vào Việt Nam. Với giá bán từ 7.000-9.000 USD, đến tay người tiêu dùng Việt sẽ còn 20.000 USD đổ lại - mức giá cạnh tranh rất lớn với xe lắp ráp trong nước.
Xe oto lắp ráp trong nước “đứng ngồi không yên”Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2015, tiêu thụ ô tô tại Việt Nam sẽ đạt 200.000 xe/năm và xe nhập khẩu có thể cán đích 100.000 xe, chiếm 50% tổng xe tiêu thụ.
Điều này khiến không ít DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước lo ngại khi xe nhập khẩu ngày càng tăng và lấn át xe trong nước.
Hiên tại, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đang phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu từ 50-70% (tùy khu vực) và thuế tiêu thụ đặc biệt từ 45-60% (tùy dung tích xi lanh). So với xe sản xuất, lắp ráp trong nước - chịu thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện 15-25%, tưởng như xe ngoại khó có thể cạnh tranh. Song, thực tế là xe nhập gia tăng ngày càng mạnh.
Nhiều DN ô tô trong nước đang lo ngại, vào 2016, nhờ được giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt xe ngoại sẽ ngày càng có lợi thế.
Cụ thể, từ 1/1/2016, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ khối ASEAN về Việt Nam sẽ được giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống còn 40%, so với mức 50% hiện nay.
Cùng với đó, Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo mới về sửa đổi Luật sửa đổi các điều liên quan đến Luật thuế. Trong đó, mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi, dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống, có sự điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, có hai phương án giảm thuế với xe ô tô dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống. Cụ thể, phương án 1, xe ô tô có dung tích từ 1.000 cm3 trở xuống được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 25%; trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 hưởng thuế suất 30%. Phương án 2, tất cả các loại xe có dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống được hưởng thuế suất 30%, thực hiện từ ngày 1/7/2016. Đối với các loại ô tô có dung tích xi lanh từ trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 sẽ áp thuế suất 40%, giảm 5% so với hiện hành, cũng có hiệu lực từ 1/7/2016.
Trong hai phương án, nhiều ý kiến nghiêng về áp dụng theo phương án 2. Như vậy, từ 1/7/2016, ô tô dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống nhập khẩu về Việt Nam có thể sẽ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống còn 30% và ô tô từ 1.500 đến dưới 2.000 cm3 giảm về mức 40% so với 45% hiện nay.
Nỗi lo xe nhỏ sẽ tràn ngập?Theo tính toán của các DN, với mức thuế giảm như trên, vào nửa cuối năm 2016, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN về Việt Nam loại dưới 2.000 cm3 sẽ giảm khoảng 2.500-4.000 USD/xe, còn xe nhập từ Ấn Độ có mức giảm giá khoảng 1.500-2.500 USD/xe.
Trong khi đó, xe sản xuất, lắp ráp trong nước có mức giảm thấp hơn, chỉ khoảng 1.000-2.000 USD, tùy loại.
Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ đã trở thành hai trung tâm lớn sản xuất ô tô nhỏ, giá rẻ. Với thuế giảm, xe nhỏ từ khu vực này sẽ tràn về Việt Nam. Hàng loạt các mẫu xe nhỏ sản xuất tại Indonesia, Malaisia, Thái Lan, Ấn Độ ra mắt thời gian qua, giá bán từ 7.000-9.000 USD, được cho là có lợi thế lớn. Khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, các mẫu xe này có giá bán khoảng 20.000 USD trở lại, được cho có sức cạnh tranh rất lớn.
Giá các mẫu xe này hiện giá vẫn còn cao, tuy nhiên nếu được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá sẽ giảm và sức cạnh tranh sẽ tăng.
Ngoài ra, còn đối thủ rất tiềm tàng khác là dòng xe sử dụng công nghệ mới, tuy có dung tích xi lanh nhỏ, nhưng có công suất lớn, tiết kiệm nhiên liệu và trang bị nhiều tính năng hiện đại. Xu hướng công nghiệp ô tô trên thế giới là sử dụng động cơ tăng áp. Nhờ đó, nhiều mẫu xe có dung tích xi lanh lớn sẽ gia nhập vào phân khúc dung tích thấp hơn nhưng vẫn giữ được công suất mạnh mẽ.
Động cơ tăng áp, có thể được hiểu là nạp khí cưỡng bức, để tăng công suất mà không phải tăng dung tích buồng đốt. Tại Việt Nam, hiện đã có một số DN phân phối mẫu xe sử dụng động cơ này.
Điển hình như Ford Việt Nam từ giữa năm 2014 đã lắp động cơ EcoBoost trênmột phiên bản xe Fiesta. Động cơ này có dung tích 1.0L với 3 xi lanh, nhưng cho công suất cực đại tới 125 mã lực, bằng đúng công suất động cơ thông thường trên một phiên bản khác có dung tích 1.6L, 4 xi lanh. Trường Hải cuối năm ngoái cũng lắp ráp và phân phối mẫu xe Peugeot 3008, với động cơ 1.6 L tăng áp, công suất 156 mã lực, tương đương với công suất động cơ của các đối thủ cạnh tranh là Honda CR-V hay Mazda CX 5 nhưng có dung tích xi lanh 2.0.
Ngoài ra, các mẫu xe này luôn được trang bị nhiều tính năng mới, hiện đại như phần mềm kết nối người và xe, chìa khóa thông minh, màn hình cảm ứng, tích hợp nút điều khiển âm thanh, số trên vô lăng, hệ thống cảnh báo va chạm, cảnh báo sai làn,...
Giá các mẫu xe này vẫn còn cao, tuy nhiên nếu được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá sẽ giảm và sức cạnh tranh sẽ tăng.
Một số DN cho rằng, sản xuất ô tô nhỏ trong nước vẫn có lợi thế do xe nhập vẫn phải chịu tác động của nhiều "hàng rào" khác, kể cả khi thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu giảm. Song, các DN ô tô nội khá lo lắng khi các chính sách đề nghị hỗ trợ xe sản xuất lắp ráp trong nước đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Theo các DN, tăng trưởng bình quân 40%/năm của thị trường ô tô Việt Nam có thể được duy trì lâu dài. Hiện con số này đang là gần 60%/năm - mức tăng trưởng rất ấn tượng. Nhưng hầu hết các dự báo đều chung nhận định, xe nhập gây sức ép ngày càng lớn lên xe trong nước.